Bức ảnh nụ cười ngạo nghễ của người phụ nữ với bàn tay bị đốt hơn 50 năm trước gây xúc động: Khi lòng yêu nước vượt qua mọi đau đớn, đòn thù!
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc bà Phùng Ngọc Anh bị thẩm vấn với đôi tay bị thương và gương mặt đầy cương nghị đã trở thành biểu tượng cho sự kiên cường và bất khuất của phụ nữ Việt Nam. Bức ảnh mất tới 40 năm, đi hơn nửa vòng trái đất để cuối cùng đến tay người phụ nữ đặc biệt này.
Trong ký ức của người Sài Gòn một thời, "Tiểu Long Nữ trên đường phố" không chỉ là một biệt danh trìu mến dành cho người nữ biệt động gan dạ Phùng Ngọc Anh, mà còn là biểu tượng cho ý chí kiên cường, lòng yêu nước sâu sắc.
Ở độ tuổi ngoài 80, sức khoẻ không còn như xưa nhưng những trang sử hào hùng mà bà và động đội cùng viết nên vẫn còn vang vọng mãi.
Hành động táo bạo chứng minh lòng yêu nước của cô gái trẻ
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất cách mạng Gò Quao, Kiên Giang, bà Phùng Ngọc Anh sớm chịu ảnh hưởng từ tinh thần kháng chiến. Dù có cơ hội ra nước ngoài học tập để tránh bom đạn nhưng tình yêu nước đã thôi thúc bà trở về Sài Gòn vào năm 1964, quyết tâm góp sức vào cuộc chiến chống Mỹ.
Thời điểm đó, gia đình bà đang che chở một cán bộ cách mạng tên Tư Bình. Sự xuất hiện của cô gái trẻ vừa từ nước ngoài trở về khiến ông Tư Bình không khỏi lo lắng. Môi trường ở Sài Gòn rất khác, gắt gao và nguy hiểm. Chỉ một lời nói bất cẩn của Ngọc Anh cũng có thể gây nguy hiểm cho cán bộ cách mạng và cơ sở bí mật.

Bà Phùng Ngọc Anh hiện đã cao tuổi nhưng vẫn minh mẫn
Hiểu được sự dè dặt ấy, Ngọc Anh giữ im lặng, âm thầm quan sát. Nhưng trong đêm tối, một quyết định táo bạo đã nảy sinh trong tâm trí cô. Với lòng trung kiên và khát khao được cống hiến cho cách mạng, Ngọc Anh đã thực hiện một hành động liều lĩnh.
Cô lẻn vào phòng nơi ông Tư Bình cất giữ tài liệu. Trong ánh đèn lờ mờ, cô tìm thấy một mớ giấy tờ quan trọng. Đó là những lá thư cảnh cáo gửi đến những tên ác ôn khét tiếng, những kẻ đang gieo rắc đau khổ cho đồng bào.
Không một chút do dự, Ngọc Anh quyết định phải hành động. Cô lặng lẽ rời khỏi nhà trong đêm, mang theo những lá thư bí mật ấy. Theo những địa chỉ ghi trên thư, cô bí mật tìm đến từng địa chỉ và gửi lời cảnh báo đanh thép của ông Tư Bình vào trong.
Đến sáng, khi phát hiện những tài liệu quan trọng đã biến mất, ông Tư Bình không khỏi hoảng hốt và lo lắng.
Chỉ đến khi Ngọc Anh bình tĩnh kể lại hành động của mình: "Tui ăn cắp đồ của anh và tui không làm bậy. Tui đi gửi họ rồi" , sự ngỡ ngàng và lo lắng trong ông mới chuyển thành sự tin tưởng và cảm phục trước lòng dũng cảm và tinh thần vì nghĩa lớn của cô gái trẻ.
Hành động trộm thư táo bạo ấy không chỉ thể hiện sự thông minh và gan dạ của Phùng Ngọc Anh, mà còn là bước chân đầu tiên, đầy ý nghĩa trên con đường hoạt động cách mạng của bà.
Dưới sự dìu dắt của cán bộ Tư Bình, Phùng Ngọc Anh nhanh chóng trở thành một thành viên chủ chốt của lực lượng vũ trang, tham gia vào các hoạt động phát truyền đơn, theo dõi và lên kế hoạch ám sát những tên tay sai khét tiếng của địch. Sự gan dạ và mưu trí của bà đã khiến đồng đội tin tưởng, và chẳng bao lâu sau, bà trở thành người chỉ huy đội vũ trang người Hoa, nổi tiếng với những trận đánh táo bạo vào quân Mỹ.
Bàn tay bị đốt và nụ cười ngạo nghễ: Khi lòng yêu nước vượt lên mọi đớn đau
Với khẩu súng colt Mỹ và 50 viên đạn được giao, Phùng Ngọc Anh cùng đồng đội đã khiến quân địch phải khiếp sợ. Lúc bấy giờ, cái tên "Tiểu Long Nữ đường khố" là nỗi khiếp sợ với quân địch.
Bà cùng đồng đội, như Tiểu Yến, Thanh Hồng, đã lập nên những chiến công vang dội, khiến ngay cả những sĩ quan cấp cao của địch cũng phải gục ngã dưới họng súng của những nữ biệt động quả cảm.

Bà Phùng Ngọc Anh (đang cầm ảnh) cùng những người cựu tù Côn Đảo năm xưa. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân
Tháng 9/1967, bà lại nhận nhiệm vụ ám sát một chỉ huy cao cấp. Cuộc mai phục và tấn công táo bạo dù không hoàn toàn thành công nhưng đã thể hiện rõ tinh thần chiến đấu không sợ hãi của bà.
Dù bị bắt và phải chịu đựng những đòn tra tấn dã man, Phùng Ngọc Anh vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.
Trong những ngày bị giam cầm tại Tổng nha Cảnh sát, Phùng Ngọc Anh đã phải trải qua những hình thức tra tấn tàn bạo. Một trong những nỗi đau thể xác khủng khiếp nhất mà bà phải chịu đựng là khi bịch địch... đốt tay!
Địch đã nhúng hai bàn tay bà vào một loại hóa chất, khiến đôi bàn tay "Tiểu Long Nữ" cháy trong đau đớn khó có thể tưởng tượng.
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc bà Phùng Ngọc Anh bị thẩm vấn với đôi tay bị thương và gương mặt bướng bỉnh đã trở thành một minh chứng hùng hồn cho sự kiên cường và bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Nụ cười khinh miệt mà bà dành cho kẻ thù đã nói lên tất cả: Lòng yêu nước và ý chí chiến đấu của bà không thể bị dập tắt bởi bất kỳ đòn thù nào.
Ngày 14/11/1968, Tòa án quân sự Mỹ đưa bà Phùng Ngọc Anh ra xét xử. Trước khi tuyên đọc bản án, viên thẩm phán hỏi to: "Cô Phùng Ngọc Anh là người Hoa kiều sống ở Chợ Lớn, chính quyền Việt Nam Cộng hòa luôn có những chính sách ưu đãi đặc biết đối với người Hoa. Vậy tại sao cô lại chống đối chính quyền, phá rối trị an?".
Trước sự chứng kiến của đông đảo quan chức Mỹ, Ngọc Anh trả lời dõng dạc: "Tôi là người Hoa kiều nhưng sinh ra tại Việt Nam, ăn cơm gạo Việt Nam mà lớn lên. Nay đất nước Việt Nam bị Mỹ xâm lược, tôi có nghĩa vụ cùng nhân dân Việt Nam đứng lên chống Mỹ".
Sau khi thoát chết trong một vụ thủ tiêu tàn độc vào đêm mùng hai Tết Mậu Thân, nơi bà chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng đội Lê Thị Riêng và Trần Văn Kiểu, Phùng Ngọc Anh tiếp tục bị đày ra Côn Đảo.
Dù trải qua bao gian khổ, bà vẫn giữ vững niềm tin vào ngày chiến thắng.
Mất 40 năm, bức ảnh lịch sử quay về với người chiến sĩ cách mạng
Năm 1974, bà Phùng Ngọc Anh được trao trả tự do. Dù có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bà vẫn giữ cho mình sự sự giản dị, khiêm nhường đáng quý. Khi được đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng, bà chỉ cười và nói rằng "anh hùng ở trong tim thôi". Nguyện vọng giản dị của bà là có một tấm huân huy chương để tưởng nhớ những năm tháng chiến đấu và những đồng đội đã ngã xuống.

Bức ảnh nổi tiếng của bà Phùng Ngọc Anh
Bức ảnh chụp bàn tay bị đốt của bà năm đó được đưa về trưng bày trong kho lưu trữ dữ liệu chiến tranh Mỹ. Gần 40 năm sau, một sinh viên Mỹ có tên Molly thực hiện đề tài “Truyền thống người phụ nữ Việt Nam” đã phát hiện ra tấm ảnh.
Cô sinh viên này đã mang tấm ảnh ấy đi một hành trình nửa vòng Trái đất để lần tìm địa chỉ và gửi tặng cho bà Ngọc Anh.
Hiện tại, dù tuổi cao, mắt mờ, bà Phùng Ngọc Anh vẫn minh mẫn và lạc quan. Câu chuyện về cuộc đời bà, về đôi bàn tay mang dấu tích tội ác của kẻ thù và nụ cười ngạo nghễ không khuất phục, mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ người Việt Nam, một biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và ý chí kiên cường.
Tổng hợp