Canh bạc cay đắng của Elon Musk: Đầu tư 250 triệu USD kiếm về hơn 100 tỷ USD nhờ bầu cử để rồi khiến Tesla bốc hơi 800 tỷ USD vốn hóa
Tờ FT nhận định việc Elon Musk tham gia chính trị cuối năm 2024 từng được cho là canh bạc đầu tư khôn ngoan nhất trong sự nghiệp, thế nhưng chúng đang nhanh chóng trở thành "bộ phim kinh dị" khi lợi ích đem về ít hơn nhiều so với thiệt hại gây ra.

Cuối năm 2024, tờ Financial Times (FT) nhận định Elon Musk đã có một canh bạc đầu tư khôn ngoan nhất trong sự nghiệp khi đổ 250 triệu USD cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến tổng vốn hóa Tesla vượt 1 nghìn tỷ USD và tổng tài sản của Elon Musk tăng thêm 100 tỷ USD.
Thế nhưng chính Elon Musk cũng phải thừa nhận rằng việc mình tham gia chính trị đã dẫn đến những "phản ứng dữ dội" gây tổn hại cho nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới. Tổng vốn hóa của Tesla đã bốc hơi hơn 800 tỷ USD từ mức đỉnh cuối năm 2024.
"Câu chuyện cổ tích hiện đang chuyển thành một bộ phim kinh dị", chuyên gia phân tích Dan Ives của Wedbush Securities, người vốn ban đầu hoan nghênh sự tham gia của Elon Musk đến chính trị, cho biết.
Theo ông Ives, thay vì giúp Tesla bằng cách nới lỏng các quy định về triển khai trí tuệ nhân tạo và xe tự hành, vai trò ngày càng gây tranh cãi của Elon Musk với tư cách là người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) đã gây ra "thiệt hại lớn cho thương hiệu".

Đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư và viễn cảnh phải giải thích về mức giảm 70% lợi nhuận quý I/2025, Elon Musk đã phải thay đổi hướng đi khi Nhà Trắng không giúp đỡ được gì nhiều và cũng chưa đem lại lợi ích như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Vậy là canh bạc cuối năm 2024 từng được tung hô là khôn ngoan nhất sự nghiệp của Elon Musk đang bắt đầu chuyển thành cay đắng.
Thời điểm tồi tệ
Tỷ phú Elon Musk tuyên bố rằng ông sẽ rút khỏi DOGE bắt đầu từ tháng tới, chỉ dành một hoặc hai ngày mỗi tuần cho công việc của chính phủ và thời gian còn lại tập trung vào các lợi ích thương mại của mình.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi người tiêu dùng phản ứng phẫn nộ trước hành động của DOGE trong bối cảnh cơ quan này can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan liên bang Mỹ, cắt giảm hàng chục nghìn công chức gây bất bình.
Thêm vào đó, việc Elon Musk quá thân cận với Nhà Trắng khiến các cuộc biểu tình bùng nổ tại các đại lý và doanh số bán hàng giảm mạnh, đặc biệt là ở châu Âu, khiến vốn hóa thị trường của Tesla lao dốc.
Tồi tệ hơn, những kỳ vọng về việc tham gia chính trị sẽ đem lại lợi ích kinh doanh của Elon Musk đã không thành hiện thực.
Tờ FT nhận định vị thế của ông chủ Tesla đang dần suy yếu tại Nhà Trắng. Ví dụ một ứng cử viên Tòa án Tối cao Wisconsin mà Elon Musk ủng hộ đã thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử tháng 4/2025, trong khi ngày càng nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa bày tỏ sự lo lắng về tốc độ và mức độ cắt giảm của DOGE với chính phủ.
Thậm chí Elon Musk còn xung đột với nhiều thành viên của nội các, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.
Vị thế chính trị suy giảm đi kèm với tình hình kinh doanh bết bát của Tesla khiến nguồn tin thân cận với Elon Musk của FT nói rằng: "Đây là thời điểm tồi tệ nhất khiến Elon Musk bị phân tâm".
Trên thực tế, ngay cả khi Elon Musk tuyên bố quay lại tập trung làm kinh doanh thì tình hình cũng khó có thể khá hơn bởi từ trước canh bạc chính trị cuối năm 2024, Tesla cùng nhiều dự án khác của vị tỷ phú này đã gặp khó khăn.
Nếu không nhờ chiến thắng của Tổng thống Donald Trump, có lẽ năm 2024 đã là một năm tồi tệ với Elon Musk, Tesla cùng những dự án của ông.
Đầu tiên, Tesla đang mất lợi thế cạnh tranh từ trước khi cuộc bầu cử năm 2024 diễn ra và đến hiện tại vẫn chẳng có gì thay đổi. Mảng kinh doanh ô tô cốt lõi của Tesla đã phải chịu áp lực từ sự phát triển nhanh chóng của xe điện của BYD và các đối thủ Trung Quốc khác.

Trong quý I/2025, Tesla đã nhường ngôi nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới cho BYD khi lượng xe giao hàng giảm 13%.
Các nhà phân tích cho biết Tesla đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ đổi mới và tung ra sản phẩm mới tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
"Với việc xe điện Trung Quốc phát triển quá nhanh chóng, Tesla đang gặp sức ép thay đổi để theo kịp", chuyên gia Seth Goldstein của Morningstar nhận định.
Khi Tesla ra mắt hệ thống "tự lái hoàn toàn" (nhưng vẫn cần tài xế theo dõi) tại Trung Quốc vào tháng 2/2025, ban đầu họ nhận được phản ứng trái chiều vì các đối thủ Trung Quốc cung cấp công nghệ chất lượng tương tự nhưng với giá rẻ hơn.
Ngoài ra, cả BYD và gã khổng lồ về pin CATL cũng đã phát triển các hệ thống sạc tốc độ cao cho phép sạc xe điện nhanh tương đương thời gian đổ đầy xăng cho ô tô, điều mà Tesla chưa làm được.
Các hạn chế từ cả Trung Quốc và Mỹ đã cấm Tesla triển khai đầy đủ các công nghệ lái tự động tiên tiến nhất của mình tại Trung Quốc vì lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu.
Thế rồi nhà máy sản xuất lớn nhất của Tesla tại Trung Quốc cũng gặp tổn hại vì tình hình xung đột thương mại hiện nay.
Mặc dù Elon Musk ủng hộ tự do thương mại nhưng quan điểm này đi ngược lại những ưu tiên của Nhà Trắng, góp phần khiến tỷ phú Tesla dần bị "thất sủng".
SpaceX, xAI cũng gặp khó khăn
Không riêng gì Tesla, hàng loạt dự án bao gồm SpaceX và xAI cũng phải đối mặt với những thách thức trong những tháng gần đây.
Ví dụ xAI hiện đang gặp phải đối thủ lớn DeepSeek từ Trung Quốc.
Trong khi đó tên lửa Starship khổng lồ của SpaceX đã phát nổ ngay sau khi phóng thử nghiệm lần thứ hai vào tháng 3/2025.
Dù SpaceX đã thống trị thị trường vũ trụ trong nhiều năm và chịu trách nhiệm cho gần 90% các tên lửa được phóng từ Mỹ vào năm 2024 nhưng hãng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ nhiều startup khác.
Ví dụ Blue Origin của Jeff Bezos đã thành công lên quỹ đạo vào tháng 1/2025 với chuyến bay đầu tiên của tên lửa hạng nặng New Glenn, trở thành đối thủ cạnh tranh với Starship của SpaceX.
Tương tự, tập đoàn Amazon đang thách thức mạng internet vệ tinh Starlink của Musk bằng hệ thống Kuiper.

Một đối thủ cạnh tranh của SpaceX là United Launch Alliance có trụ sở tại Mỹ đang lên kế hoạch phóng một số tên lửa Vulcan Centaur trong những tháng tới và sẽ hỗ trợ phóng các vệ tinh của Kuiper.
Tệ hơn, sự tham gia chính trị của Elon Musk khiến nhiều thị trường không lựa chọn Starlink mà chuyển sang đối thủ để tránh bị ảnh hưởng.
"Việc tỷ phú Tesla thường xuyên có những phát ngôn gây tranh cãi và quyết định thất thường khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy không an toàn và ổn định", chuyên gia Chris Quilty tại Quilty Space cho biết.
*Nguồn: FT, BI