Thời tàn của nhân viên công nghệ: 1 năm 150.000 người mất việc, liên tục lo sợ bị sa thải, lương không đổi dù phải làm nhiều hơn

26/04/2025 10:55 AM | Quốc tế

Sự suy thoái đã dẫn đến các đợt sa thải hàng loạt bắt đầu từ năm 2022.

Thời tàn của nhân viên công nghệ: 1 năm 150.000 người mất việc, liên tục lo sợ bị sa thải, lương không đổi dù phải làm nhiều hơn- Ảnh 1.

Cách đây không lâu, làm việc trong ngành công nghệ đồng nghĩa với sự đảm bảo về công việc, chế độ đãi ngộ cao và tinh thần cống hiến hết mình.

Ngày nay, một vị trí trong ngành công nghệ trông chẳng khác nhiều so với một công việc bình thường. Người lao động phải đối mặt với nỗi sợ liên tục bị sa thải, giờ làm việc dài hơn, nhiều tác vụ hơn, song mức lương thì vẫn ‘dậm chân tại chỗ’.

Meta Platforms gần đây cắt giảm 5% lực lượng lao động trong các đợt sa thải dựa trên hiệu suất, đồng thời cắt giảm các chuyến đi công tác không thực sự cần. Amazon.com theo dõi máy tính của nhân viên khi họ làm việc, trong khi Google sa thải mà không hề lấp đầy chỗ trống.

Thực tế này đảo ngược hoàn toàn đối với một nhóm người vốn chỉ biết đến thời kỳ bùng nổ, khi công nghệ định hình xu hướng văn hóa nơi làm việc. Vài năm trước, cuộc chiến nhân tài công nghệ diễn ra khốc liệt đến nỗi nhiều người được trả lương mà chẳng cần làm gì.

Sự thay đổi trong công nghệ diễn ra chậm rãi. Trong nhiều năm, nhu cầu về nhân công đã vượt xa nguồn cung - một trạng thái đạt đỉnh trong đại dịch Covid-19. Các công ty công nghệ lớn như Meta và Salesforce thừa nhận họ đã tuyển dụng quá nhiều. Sự suy thoái dẫn đến các đợt sa thải hàng loạt bắt đầu từ năm 2022.

“Khó hơn để cảm thấy rằng làm việc tại những công ty này là bền vững”, Andre Nader, người từng làm việc tại Meta trong 9 năm, cho biết.

Các công ty ở Thung lũng Silicon vẫn trả lương cao, nhưng một số nhân viên lâu năm cho biết họ không còn nhận ra công ty mà họ làm việc nữa. Ban quản lý tập trung hơn vào việc mang lại kết quả mà Phố Wall mong đợi. Doanh thu vẫn mạnh, song nguồn lực đang đổ dồn vào các cơ sở hạ tầng AI tốn kém.

Bản thân các công ty không hề ngại ngùng thay đổi triết lý quản lý. Chẳng hạn, Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg thừa nhận muốn thấy sự trở lại của “năng lượng nam tính”, trong khi đồng sáng lập Google Sergey Brin cho biết 60 giờ một tuần là mức năng suất lý tưởng.

Thời tàn của nhân viên công nghệ: 1 năm 150.000 người mất việc, liên tục lo sợ bị sa thải, lương không đổi dù phải làm nhiều hơn- Ảnh 2.

Kate Smith từng làm việc với tư cách nhà thầu tại Google. Trong thời gian làm việc, khối lượng công việc đã tăng lên đáng kể, trong khi nguồn lực không còn nhiều. Cô gái coi đây như một cách để mở rộng kinh nghiệm, song nhiều nhân viên lâu năm lại không nghĩ thế.

“Mọi người đang khao khát những ngày tháng huy hoàng”, cô nói.

Josh Bersin, một nhà phân tích nguồn nhân lực, cho biết chính quyền ông Trump và chiến thuật cắt giảm chi phí của Elon Musk đã củng cố thêm quan điểm cho rằng các công ty có thể làm được nhiều hơn với ít nguồn lực hơn.

“Mọi công ty tôi nói chuyện đều nói về năng suất”, Bersin nói. “Có lẽ chúng tôi có quá nhiều người. Làm sao để chúng tôi tăng doanh thu trên mỗi nhân viên?”.

Chuyên gia hướng dẫn điều hành David Markley cho biết những thay đổi về cơ cấu hiện tại tại các công ty công nghệ không nhất thiết xuất phát từ lo ngại về tài chính.

“Tôi nghe nói có người có 30 báo cáo trực tiếp”, David Markley, người đã dành 7 năm làm việc tại Amazon, cho biết. “Không phải vì các công ty không có tiền. Đó là vì AI và những câu chuyện ngoài kia”.

Theo TechCrunch, làn sóng tái cấu trúc trong ngành công nghệ tại Mỹ vẫn tiếp diễn sang năm 2025. Nền tảng theo dõi sa thải độc lập Layoffs.fyi cho biết hơn 150.000 người đã mất việc làm tại 549 công ty trong năm ngoái. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 22.000 nhân viên công nghệ đã bị sa thải.

Business Insider nhận định năm 2025 sẽ là một năm khó khăn nữa của thị trường lao động khi xu thế cắt giảm việc làm tiếp tục sau 2 năm sa thải hàng loạt. Báo cáo của Diễn đàn kinh tế quốc tế (WEF) cho thấy 41% số công ty trên toàn cầu sẽ cắt giảm nhân sự trong 5 năm tới nhờ sự trỗi dậy của công nghệ trí thông minh nhân tạo. Hàng loạt công ty như Google, Dropbox trước đó cũng đã tuyên bố cắt giảm việc làm vì có AI thay thế.

Sa thải theo đó không còn là một sự kiện hiếm. Trong một số trường hợp, các công ty ghi nhận doanh thu kỷ lục, trong khi vẫn cắt giảm biên chế. Theo Layoffs.fyi, một trang web theo dõi việc cắt giảm việc làm, hơn 50.000 nhân viên công nghệ từ hơn 100 công ty đã bị sa thải trong khoảng thời gian từ đầu 2025 đến nay.

Thời tàn của nhân viên công nghệ: 1 năm 150.000 người mất việc, liên tục lo sợ bị sa thải, lương không đổi dù phải làm nhiều hơn- Ảnh 3.

Khoảng 15 năm trước, nhân viên Google từng được thưởng 1.000 USD trong một sự kiện tập thể. Nhân viên Meta từ lâu cũng được giặt khô miễn phí, trong khi nhân viên Netflix được tự do cân nhắc thời gian nghỉ phép và chăm sóc con nhỏ. Thực tế bây giờ đã khác xa.

Một cựu giám đốc Meta tên Anneka Patel từng bị sa thải trong giai đoạn nghỉ thai sản. Cô nhận được email cho thôi việc lúc 5 giờ 35 phút sáng, ngay sau khi một số đồng nghiệp gửi tin nhắn cho cô, than vãn rằng mình đã bị sa thải.

“Sáng sớm nay, tôi biết mình là một trong số 11.000 nhân viên bị ảnh hưởng bởi đợt cắt giảm nhân sự hàng loạt của Meta. Điều này đã có tác động nặng nề đến tôi vì hiện tại, tôi đang trong thời gian nghỉ thai sản”, Patel cho biết thêm.

Theo hồ sơ LinkedIn, Patel quản lý thông tin liên lạc cho các nhóm sản phẩm cộng đồng của Meta, bao gồm các nhóm Facebook. Tháng 5/2020, cô còn vinh dự có tên trong danh sách các chuyên gia hàng đầu trong ngành quan hệ công chúng của Business Insider. Cô đã làm việc tại Meta được hai năm rưỡi và việc bị cho nghỉ việc đột ngột vào sáng sớm thực sự đã ảnh hưởng đến tâm lý của cô.

“Đối với những người biết tôi từ lâu, làm việc tại Facebook là ước mơ của tôi kể từ khi chuyển từ London đến Vịnh San Francisco 9 năm trước”, Patel bày tỏ sự tiếc nuối.

Patel là một trong hàng trăm cựu nhân viên viết về trải nghiệm của họ khi bị Meta sa thải trên LinkedIn. Một số kỹ sư phần mềm còn bị sa thải ngay sau khi chuyển từ Ấn Độ đến văn phòng của công ty ở Canada.

Theo: WSJ, Business Insider

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM