Việt Nam dẫn đầu toàn cầu trong xu hướng đa dạng hóa chi phí thu hút người dùng di động

26/04/2025 08:16 AM | Kinh doanh

Trong bối cảnh thị trường quảng cáo kỹ thuật số ngày càng cạnh tranh, các nhà phát hành ứng dụng di động Việt Nam đang cho thấy tư duy chiến lược nổi bật khi chủ động đa dạng hóa chi phí thu hút người dùng toàn cầu.

Việt Nam dẫn đầu toàn cầu trong xu hướng đa dạng hóa chi phí thu hút người dùng di động- Ảnh 1.

Theo dữ liệu mới công bố từ Moloco – công ty toàn cầu chuyên cung cấp giải pháp quảng cáo dựa trên công nghệ máy học (machine learning - ML), các nhà phát hành tại Việt Nam hiện phân bổ tới 75% ngân sách tiếp thị người dùng (UA) ra ngoài khu vực Hoa Kỳ. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 60%.

Xu hướng này cho thấy sự dịch chuyển chiến lược trong ngành phát hành ứng dụng, khi các doanh nghiệp Việt Nam dần chuyển trọng tâm sang thị trường quốc tế thay vì chỉ tập trung vào trong nước hoặc các thị trường truyền thống. Trên thực tế, khoảng 80% doanh thu của các nhà phát hành Việt hiện đến từ hoạt động xuất khẩu, với mức tăng trưởng 19,3% trong năm 2024. Ngược lại, doanh thu từ thị trường nội địa lại ghi nhận mức giảm 2,9% cùng kỳ.

Khác với các nhà phát hành game hàng đầu trên thế giới vốn đang phụ thuộc đến 48% doanh thu vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận linh hoạt và ít rủi ro hơn – chủ động tìm kiếm tăng trưởng ở nhiều thị trường khác nhau. Đại diện Moloco nhận định, chiến lược này đang tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho Việt Nam trong kỷ nguyên kỹ thuật số không ngừng biến động.

Thông tin trên được đưa ra trong buổi họp báo "Chuyển đổi ngành quảng cáo số tại Việt Nam: Tiếp cận từ góc độ Machine Learning". Tại sự kiện, các diễn giả nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ máy học trong việc tối ưu hóa hiệu suất quảng cáo. 

Moloco nhận định thị trường ứng dụng di động tại Việt Nam là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh và có sức ảnh hưởng toàn cầu. Ước tính, các nhà phát hành Việt Nam đã tạo ra hơn 5,6 tỷ lượt tải xuống trên toàn thế giới, đưa Việt Nam vào nhóm ba quốc gia dẫn đầu về số lượt tải ứng dụng. Ngành này không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra hơn 100.000 việc làm trong nước.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đang đối mặt với những thách thức lớn như ngân sách bị thắt chặt, hành vi người dùng thay đổi nhanh chóng và chính sách thương mại toàn cầu biến động. Việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning – ML) vào hoạt động quảng cáo được xem là một giải pháp khả thi để tăng hiệu quả tiếp cận và giữ chân người dùng.

Ông Jason Lê, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực Đông Nam Á, nhận định nền kinh tế số của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, song cũng đối mặt với không ít thách thức. Theo ông, việc ứng dụng công nghệ machine learning vào chiến lược quảng cáo có thể giúp các doanh nghiệp trong nước xác định và tận dụng hiệu quả cả các thị trường quốc tế lẫn những cơ hội chưa được khai thác tại thị trường nội địa. Ông cho rằng công nghệ hiện nay cho phép các thương hiệu vừa mở rộng quy mô ra toàn cầu, vừa thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại chính thị trường trong nước.

Tại hội thảo, ông Trương Đức, Phó Chủ tịch Chi hội Quảng cáo Thủ đô (CAA), cho biết người dùng Việt Nam ngày càng kỳ vọng vào các trải nghiệm trực tuyến phù hợp và cá nhân hóa hơn. Các phương thức quảng cáo truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu này, nhất là khi hành vi người dùng thay đổi liên tục và sự cạnh tranh giữa các thương hiệu trở nên gay gắt.

Cũng theo các chuyên gia tại sự kiện, để giữ vững đà tăng trưởng, các doanh nghiệp nội địa không chỉ cần cải thiện hiệu quả quảng cáo ở thị trường quốc tế mà còn phải khai phá tiềm năng thị trường nội địa – nơi người dùng di động đang chiếm tỷ lệ áp đảo trong các hoạt động tương tác số.

Dự kiến đến năm 2025, quy mô nền kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 45 tỷ USD, trong đó quảng cáo kỹ thuật số được xem là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng.

Thúy Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM